30 năm trước, lúc đi viết những phóng sự đầu tiên về thiên nhiên hoang dã, tôi đã che miệng cười mai mỉa, khi thấy các cán bộ của Birdlife International (Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế) vắt cạn mồ hôi đi tìm ngắm một vài chú chim bé bằng… hạt mít. Sao họ có thể “lãng mạn” và “thừa thời gian” đến thế nhỉ? Xin lỗi, quả là tôi (và không ít người) đã từng nghĩ như vậy đấy. Rồi có người còn bảo: Đi tìm con chim to hơn, béo hơn thì còn bớt vô bổ, ít ra là với một bữa cơm được cải thiện protein chứ.
Giữa bối cảnh đó, chim bồng chanh đỏ bé xíu, to hơn cái “hạt mít” có tí tẹo - như cách nói của dân gian - mà gây cho giới mê chim hoang dã xiết bao điên đảo, rồi bôn tẩu kiếm tìm và thảng thốt mê say. Cũng có nhiều người “vô duyên”, “bất tương phùng” (không gặp được chim) - bèn thất vọng ảo não sau hành trình chi hàng chục triệu đồng tiền vé máy bay, tàu, xe, thuê bird guide (người dẫn đường tìm chim), bỏ tiền “vé” để vào các site/hide (khu vực tập trung chim).
Đơn giản vì đó là một loài chim đã hiếm, lại còn đẹp và lạ mắt.
Chúng tôi tìm chim bồng chanh đỏ ở nhiều nơi mà không thấy. Mãi sau này, nghe tin một anh bạn tên là Lam Giang ở khu vực huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã xuất sắc dẫn một số “nhiếp ảnh chim” đi chụp thành công “khối màu đỏ tên là bồng chanh”. Từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào khu vực đó khoảng 80km. Tiếc là, sau thời gian về uống nước và ngẫu hứng ăn vài con dế đang nhảy cò đớ dưới cỏ, thì đôi bồng chanh đỏ đã biến mất không lý do.
Lam Giang kể: “Tôi đã quan sát được bồng chanh đỏ suốt hàng năm trời. Tuy nhiên, đây là loài chim bay “siêu nhanh”, chúng vụt qua như một ngọn lửa (vì màu vàng đỏ). Sau thời gian dài theo dõi và kỳ công đem nước tới suối cạn phục vụ chúng uống và tắm táp, dần dà, chắc thấy tôi vô hại mà,… tốt bụng, nên chúng cũng dạn hơn. Sau này, tôi bèn làm khu lều ẩn nấp rồi tôi tạo “sân chơi bồng chanh đỏ” cho mọi người.
Vì loài chim này quá nhiều màu sắc hấp dẫn, nên việc tìm chúng để chụp ảnh đã trở nên rất "hot", một phần tạo nên “tên tuổi” của tôi trong giới. Nếu không “mời” chúng lại gần được, tìm chúng ngoài tự nhiên để chụp ảnh là cực khó. Chúng đã nhìn thấy mình thì việc theo sát chúng để chụp là hầu như không thể. Vì chúng nhanh, cảnh giác, tinh đời.
Sau khi nghiên cứu tập tính của bồng chanh đỏ, chúng tôi đã có thể tiếp cận cả cặp “bạn trẻ” ở cự ly 4m. Bồng chanh đỏ trống, mái đều đẹp như nhau (loài này ít khác biệt giữa trống và mái). Chúng ngộ nghĩnh với thói quen không lẫn vào đâu được ở mọi cá thể: Đậu trên cành, cái đầu cứ dấm dứ, đưa lên cao, lại nhướng xuống thấp liên tục (như đang “cúng cụ”). Cái đuôi ngọ ngoạy chỉ lên trời, chúc xuống đất cũng liên tục. Không ai biết chắc, chúng đang làm gì với các hành vi đó. Khi bắt cặp (tán tỉnh nhau, ghép đôi) thì con trống luôn tha mồi về và đi về phía con mái với những bước chân nhảy múa, tung hứng đầy bay bướm trên cành cây dài mà cả hai đang đậu; rồi anh chàng bay vòng quanh trên bầu trời trước mặt cô nàng. Chàng phô sức mạnh, sự khéo léo và chắc là cả sự chu đáo bón mồi cho tình nương nữa...
Thời gian sau bồng chanh đỏ bỏ đi. Giới nhiếp ảnh chim Việt Nam vẫn ghi nhận Lam Giang là người đầu tiên “bố trí” để bồng chanh đỏ về gần các ống kính máy ảnh tới cỡ đó. Trước đó, nghe nói, chỉ có một người nước ngoài đến Việt Nam tình cờ chụp được loài chim này “rõ nét” và có tính thẩm mĩ vào ban ngày. Ban đêm, những người nghiên cứu và chụp ảnh bò sát, lưỡng cư hay chim đêm (như các loài cú) thi thoảng có gặp bồng chanh đỏ đậu trên cây lim dim ngủ. Có thể bị chói mắt do ánh đèn, không biết phải bay đường nào, nên buổi tối bồng chanh rất hiền. Có thể sờ vào chúng mà chúng cũng,… lười bay. Tuy nhiên, chụp lúc đó thì màu sắc của chú chim “rực rỡ” này lại không “lên” được, nên chẳng ai mặn mà (chú ta cũng chẳng bị cánh nhậu đặc sản bắt vì quá,… nhỏ bé).
Về cho người ta ngắm ít lâu, bồng chanh đỏ lại rủ nhau lặng lẽ bỏ đi. Có thể cu cậu và cô nàng rủ nhau đi sinh cảnh khác mát mẻ hơn, lắm thức ăn hơn, hoặc bạn bè vui thú sum vầy hơn (tôi cứ đoán vậy).
“Trong họ bói cá, bồng chanh đỏ thuộc loại bay nhanh nhất, bay vụt như một tia chớp màu đỏ, khó chụp lắm”, Lam Giang nói, và Đinh Sỹ Đạt (một người đam mê tìm chim hoang dã ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cũng tiết lộ tương tự vậy. “Gọi là chim bói cá, nhưng bồng chanh đỏ ăn cá không thường xuyên. Chúng thích dế, chuồn chuồn và nhiều loài bò sát nhỏ. Khách nước ngoài đến Việt Nam ngắm và chụp chim hoang dã, họ cực kỳ thích loài này, cùng với các loài chim gõ kiến. Thời kỳ làm tổ, yêu nhau, bồng chanh hay về chỗ chúng tôi uống nước và mớm mồi cho nhau rất tình cảm. Phải nói là đẹp nao lòng. Đến lúc nuôi con thì chúng chỉ chăm chú bắt chuồn chuồn, bò sát để mớm cho con ở các vách đất có hang mà chúng đã kỳ công đào để làm tổ. Mỗi ngày chỉ về tắm hay uống nước một hai lần. Dân gian Việt Nam hay gọi loài này là “bói cá bảy màu!”.
Nhớ những ngày, chúng tôi lại bay từ Hà Nội vào phía Nam tìm bồng chanh đỏ. Chim trời cá nước ai dám đoán chắc điều gì, thì cứ lên đường theo thông tin “đồn đoán” đã. Chúng tôi đi tìm, phải nói là rất khó gặp được bồng chanh đỏ. Vì chúng dường như luôn tinh ranh theo dõi ngược lại chúng tôi. Chúng nhận định tình hình có vẻ sắc sảo, mắt siêu tinh ranh, chắc là tai siêu thính. Tôi đoán vậy, bởi từ trong huyết quản của các cô nàng/anh chàng bồng chanh đỏ đã được tổ tiên truyền lại các kỹ năng săn mồi trác tuyệt. Tính cảnh giác của chúng quá cao. Săn (tìm gặp, chụp ảnh) các vị king fisher (tạm dịch vua bắt cá!) giữa các cánh rừng thường xanh nhiệt đới rậm rịt nước ta… thì khỏi nói là khó đến mức nào.
Bồng chanh đỏ hay còn gọi là bồng chanh lưng đen (tên khoa học: Ceyx erithaca) là loài chim thuộc họ Bồng chanh, với lông bụng màu vàng - đỏ, lưng màu xanh - đen. Chúng phân bố rộng rãi tại các khu rừng thấp, đặc hữu của Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm Băngladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Môi trường sống ưa thích của bồng chanh đỏ là các dòng suối nhỏ trong rừng. Chúng đào hang làm tổ ven các dòng suối, vở nước, giữa rừng. Mỗi tổ chim có 4 - 5 trứng, chim mái và chim trống thay nhau ấp trong thời gian khoảng 17 ngày thì nở. Thức ăn của chim non là tắc kè, cua, cá, ốc, ếch, dế và chuồn chuồn.
Có lẽ vì bồng chanh đỏ có tính chất “đặc hữu” ở Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ, nên các bạn châu Âu và châu Mỹ thích ngắm và chụp chúng một cách đặc biệt. Còn tôi và nhiều người “nghiền chim” Việt Nam thường đặc biệt ưu ái vẻ đẹp và những tập tính rất đáng yêu của chúng (như đã mô tả ở trên). Chỉ tiếc là chú ta nhỏ quá, rất khó chụp và quan sát. Bồng chanh lùn (trong họ Bồng chanh) còn nặng có 10 gram, tức là 10 cá thể mới đạt được trọng lượng 1 lạng. 100 con mới được 1kg.
Quy luật bảo tồn thiên nhiên là vậy, phàm loài nào không may bị rơi vào sắp tuyệt chủng thì tự khắc đi vào sách đỏ, chứ chưa chắc đã phải vì nó đẹp hay có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu hoặc nổi tiếng là “đặc sản” gì cả (như cách nghĩ của thói thường phàm phu). Bồng chanh đỏ thì ngược lại, nó còn tồn tại ở khá nhiều vùng ở Việt Nam và ở không ít quốc gia. Không hiếm nhưng lại rất khó gặp được các bạn ấy cho đàng hoàng đĩnh đạc. Bởi chúng quá tinh ranh, khó quan sát và chụp ảnh. Khác nữa, dù là “chim quê” chim thường, không được bảo tồn ở cấp độ nghiêm trọng, nhưng chúng có một nhan sắc đỉnh cao.
Đơn giản là vì chúng đẹp. Nghĩ cho cùng, yếu tố quan trọng bậc nhất để một nhà nhiếp ảnh hay người chiêm ngưỡng thích thú một chú chim (hay con thú hoặc bông hoa) là bởi vì tính thẩm mỹ của chúng. Sau đó mới là các yếu tố khác. Tôi vẫn thường chụp xong một bức ảnh chim, phóng ảnh to treo giữa nhà rồi mới đi hỏi xem nó là loài chim gì.
Chân dung chim bồng chanh đỏ, cho thấy nó là một họa phẩm kỳ khu của tạo hoá. Mỏ đỏ, chân đỏ, đầu đỏ, cánh đỏ. Tràn lan một giai điệu màu tương tư giữa vàng, đỏ, tím, xanh. Tất cả đều vui tươi, rực rỡ, nhảy nhót, lảnh lót. Đầy sức sống. Thêm nữa, hình dáng bồng chanh lại còn rất thẩm mĩ. Lúc ở trên cây cao, khi mơ màng ven bờ suối, thì bồng chanh đỏ hơi bé quá, khó quan sát kỹ bằng mắt thường. Nhưng không sao, đã có tele 800 của ống kính máy ảnh hiện đại nhất, lại thêm cái “nhân khẩu” (ống nối giúp tiêu cự có thể lên gấp 1,4 hoặc gấp 2 tức là tele-zoom 1.600). “Kéo gần” lại, nhìn kĩ, về rửa ảnh ngắm kỹ, thêm ít phần mềm xử lý bằng AI trí tuệ nhân tạo nữa thì siêu đẹp.
Chưa hết, cái đuôi ngắn nhiều màu của bồng chanh đỏ lại liên tục dửng lên, cựa quạy, ngó ngoáy, dấm dứ rất ngộ nghĩnh. Tôi chưa hiểu tập tính đó cho biết là cu cậu, cô nàng dụ bạn tình hay đe doạ ai đó, hay tạo đà cân bằng chuẩn bị “choẳm” xuống nước bắt con mồi bách phát bách trúng,… hay làm gì. Chỉ biết là nhìn rất thích mắt, kỳ thú và có gì đó rất khiêu khích.
Phần lông ở lưng chim bồng chanh đỏ mới là thứ màu ma mị, nó có màu xanh lan rộng, hơi lẫn chút đen bóng, hình như cả pha chút tím thuỷ chung. Bụng màu cam, mỏ dài, đỏ, sắc nhọn và rất lớn so với thân hình. Bồng chanh đỏ hay đậu ven suối tĩnh lặng giữa các dải rừng hoang vu mà trầm ngâm ngắm xuống làn nước hoặc trong hoặc đục. Trời ban cho chúng khả năng nhìn xuyên thấu xuống tận đáy nước. Có người thấy cảnh này cho là bồng chanh đỏ giống chị em phụ nữ, đã đẹp thì lại hay soi gương. Có thể bồng chanh đỏ với khối rực màu của mình, chúng thích soi gương qua các vũng nước hay mặt ao hồ. Nhưng có một điều chắc chắn là cơ bản nhất, tôi nghĩ chúng chỉ chăm chắm nghĩ tới cái dạ dày đang “rên xiết”: Rình các con mối dưới nước hoặc dưới mặt đất lao như ánh chớp đỏ xuống. Tóm cổ, nuốt chửng!.
Lịch sử khảo cổ nói chung và lịch sử tìm kiếm các hóa thạch thời tiền sử nói riêng đã chứng minh một sự thật giật mình: Những con chim ăn thịt khổng lồ không biết bay - thuộc loài chim có tên Titanis - nặng tới 350kg, cao tới 3m, với sức mạnh vặt cổ bất cứ loài nào làm chúng ngứa mắt. Chúng từng tồn tại suốt 50 triệu năm (song hành cùng lịch sử trái đất), nhưng phải đến năm 1963, chúng ta mới được biết tới hoá thạch của chúng, trong một cuộc khai quật khảo cổ ở Florida, Mỹ. Chẳng trách, các cụ ta có câu “nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”. Câu này có nhiều hàm ý và cũng gây nhiều tranh luận. Nhưng, càng ngẫm mới càng thấy chí lý ở góc độ này: Những loài dữ, phàm ăn, “sát thủ săn mồi” đáng sợ nhất không phải là hổ, báo, voi, tê giác,… mà có khi lại là chim, rồi tới cá (?!). Tôi thì cho rằng, muốn biết “nhất điểu” tinh nhuệ “sát thủ” ra sao, cứ nhìn những con chim dù nhỏ bé xinh xẻo, thoáng trông đã thấy đủ thứ mơ màng như bồng chanh đỏ mà xem. Nhoẳng một cái, từ bầu trời, vượt qua độ cao của mặt đất dưới chân mình, xuyên xuống đáy nước, tóm cổ con mồi có khi to gần bằng mình. Đập chết, ăn thịt. Bé hạt tiêu mà còn thế, thử hỏi con chim nặng 350kg tên là Titanis thì sao?!
Dưới cằm bồng chanh đỏ là một túm lông trắng toát, lan man mọc rộng ra phom mỏ dưới. Nhìn cứ như ông cụ non “đầu râu tóc bạc” đang ngồi ưu thời mẫn thế. Mà có thể lắm chứ, một tuổi người không biết bằng mấy tuổi chim (ví dụ, một tuổi thọ của con chó thì bằng 7-8 năm tuổi thọ của con người, tức con chó sau 3 năm sinh ra thì tương đương với một người đã 24 tuổi). Nếu tính theo vòng đời (tuổi thọ) trên, có khi bạn chim tôi chụp đã tương đương hoặc già hơn so với tuổi 50 của tôi cũng nên. Cánh và ngực, đầu cơ bản màu đỏ pha vàng. Màu phớt tím còn lan toả lên gáy, lên khu vực tai của chú ta, nhẹ nhàng như làn sương đa sắc mơ màng thôi. Không biết có phải vì sự tình cờ dị biệt nào đó không, nhưng bức ảnh tôi chụp kèm bài viết này cho thấy: Đôi mắt bồng chanh đỏ, lúc ngước lên đích thị là hình trái tim. Rõ ràng đến mức không còn gì để nghi ngờ.
Một ngày, lá rừng khô đến mức vò trong lòng bàn tay thì nhuyễn đi, rơi qua các kẽ ngón. Miền Đông Nam Bộ nóng như đổ lửa, mấy tháng giời không một giọt mưa. Đó là lúc lũ chim bị khát khé cổ, đôn đáo đi tìm các vũng nước để uống. (Mùa mưa về, chim tản mát khắp chốn, chả có lý do gì để chúng phải tụ vào một vũng nước ánh nỏi tranh giành, bấy giờ, “diện kiến” các loài tinh ranh như bồng chanh đỏ thì,… khó như mò kim đáy bể). Giữa rừng, ven con suối cạn, chúng tôi ngồi yên lặng trong lều ẩn nấp, nghe mồ hôi lăn buồn nhây nhẩy. Vài chú chim cành cạch núi chao lượn chí choé đánh nhau, chèo bẻo đuôi cờ vắt vẻo chất chưởng phom đuôi dài gấp đôi thân bay lượn một cách hung tợn.
Tôi lẩm bẩm, ước gì các bạn chèo bẻo và bìm bìp mắt đỏ đang cáu kỉnh kia “lượn sang sới khác” để mấy chú chim thơ mộng nhút nhát tìm về. Các loài nuốc “công nương kiều diễm” hoặc vàng hoặc đỏ, chúng yểu điệu váy áo mớ ba mớ bảy, nhón chân bay như những lọn phất trần. Pitta cánh xanh, giẻ cùi xanh, bồng chanh đỏ hay bồng chanh tai xanh, bạn nào cũng toàn thân là một bản phối màu táo tạo, trỉa lấy các gam màu mạnh nhất của rừng nhiệt đới. Các bạn bồng chanh luôn đề phòng cao độ, như bản tính tổ tiên truyền lại của cái giống sinh ra để suốt đời đi rình săn bắt ăn thịt các loài khác.
Nóng, lại không được bật quạt tích điện, muỗi, lại không đuợc thắp nhang muỗi hay xịt chất đuổi côn trùng - vì sợ các loài nhút nhát nhạy cảm như bồng chanh đỏ, mỏ rộng đỏ đen, nuốc đỏ, pitta cánh xanh rất nhạy cảm với tiếng ồn, mùi lạ. Nóng, anh bạn ngồi bên thấy chú chim há mồm thở dài, bèn lẩm bẩm, em ở ngoài tự do, lá xanh, gió lộng, có bạn tình tung tăng, em kêu ca gì. Anh ngồi đây cả mấy tiếng đồng hồ, muỗi cắn không dám đánh lại, nghe mồ hôi giọt lựt phựt xuống nền lá khô cũng không dám thở dài vì sợ làm phiền các “em” tung cánh bay cao. Đang tự trào thì nghe tiếng gì rất nhẹ. Chắc tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng trong thơ in ở sách giáo khoa độ ấy.
Bất ngờ, trên một cành cây đầy gai nhọn lởm chởm. Màu xanh của nó như màu của một sợi mây rừng rất sẫm. Trời, bồng chanh đỏ về rồi. Đỏ, xanh, tím cứ rộn ràng từ đầu đến mỏ, tới chân, xuống cả túm đuôi dấm dứ nâng hạ. Trời, phom ngực vàng ươm. Chỏm đầu và khu vực tai thì lại phủ toàn lông tím. Dưới họng một màu trắng tinh khôi.
Tim chúng tôi đập rộn ràng. Nghĩ vậy nhưng nào có dám lên tiếng. Luống cuống. Tay máy rung lắc, tiếng các cỗ máy hiện đại nhất trên thị trường máy ảnh thế giới kêu líu ríu, êm ru, liên thanh, mê mải. Tiếng cò nổ, tiếng chụp liên hoàn như một người đang hấp tấp líu lưỡi. Người chụp, không ai bảo ai, cùng như rơi vào một cơn mơ say đắm nào đó. Tất cả phiêu bồng lướt đi, đắm đuối, chìm đắm. Chú bồng chanh đỏ chả để ý, cứ ngó nghiêng, có khi tư lự “nghiên cứu hiện trường” một cách thận trọng. Có khi đang dòm dỏ một con dế mèn nhỏ, có khi mơ màng nghĩ tới món khoái khẩu mang tên chuồn chuồn. Cũng có thể, bạn ấy đang buồn ngủ, muốn thiếp đi trước cái nóng nồm năm tháng chưa một giọt mưa của miền Đông Nam Bộ.
Chụp đến “cháy” thẻ nhớ. Luống cuống, mơ màng và đôi lúc cáu kỉnh vì sự vụng dại của mình trong những khoảnh khắc được thiên nhiên bất ngờ ban tặng một cuộc hội ngộ trong mơ với loài chim xinh xẻo. Bõ công đợi chờ mòn mỏi, ai đó thốt lên đầy mãn nguyện!
Đột ngột, chú ta lao xuống tắm, uống nước. Thôi, tắm là bộ lông rực màu bị bết lại rồi, có chụp cũng chả đẹp nữa. Uống nước xong vỗ cánh “qua cầu rút ván”, bạn ấy bay vụt như một tia chớp đỏ, lai vô ảnh khứ vô hình. Cu cậu (cô nàng) đi nhanh và bất ngờ y như khi xuất hiện.
“Cơn mơ” kết thúc. Tuyệt!. Chưa bao giờ những gã mê chim đến “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” chúng tôi được tiếp cận bồng chanh đỏ gần thế. Chim “bé như hạt mít”, lít chít kêu như gió thoảng mơ hồ, đến và đi như hồ ly ẩn hiện. Gặp mà ở cự ly xa quá thì ảnh xấu. Mà hễ đến gần loài săn mồi siêu cảnh giác này thảng thốt bay đi. Chúng bay vụt một cái như viên đạn, khỏi cần dập dờn duyên dáng, khỏi ngoái cổ thăm dò. Chẳng biết có ai đang chưng hửng tiếc nuối nữa. Xẹt, mất. Có khi cả tuần sau nó mới “cánh chim bạt gió” trở lại. Quay về chả biết vì lý do gì, thoắt cái lại đi ngay cũng chả biết vì lý do gì. Bạn tôi, Đinh Sỹ Đạt, kỳ công mua dế mèn dế trũi về thả ở vài hốc đá vôi xanh xám trong các trảng cây u tối của rừng Thác Mai, bồng chanh đỏ tinh ranh vào mùa ghép đôi mới bèn nhấp nhứ thăm dò tìm về hố nước nhỏ xíu (do chúng tôi xách trong can nhựa đổ vào) uống nước, tắm táp, rồi bắt vài con dế bón cho nhau. Tự tình cũng xôm trò và mơ mộng lắm.
Cũng có ngày, chúng tôi chơi trò ú tim với bồng chanh đỏ đến no nê con mắt, no nê cảm xúc, dẫu chả dễ gì chụp ảnh chúng cho “ra hồn” được. Vì loài này nhút nhát, chỉ xuất hiện khi trời đã rim rỉm tối mất rồi.
Bồng chanh đỏ hay đào hang làm tổ ở bờ sông, suối, gần các vở nước. Mắt chúng hình trái tim và tinh ranh sắc sảo, đẹp một cách “chết chóc” với lũ cá, dế, chuồn chuồn, tắc kè. Bồng chanh đỏ nhìn thấu làn nước và bổ nhào phát nào thì hiếm khi không có con vật tội nghiệp nào về chầu ông bà ông vải. Bắt được cá, tôm hay chuồn chuồn, tắc kè rồi, chúng bay trở lại cái cành cây cũ và dùng cặp mỏ to, dài (so với thân hình nhỏ xíu của chúng), sắc nhọn cố cắn đứt, nghiền vỡ hoặc lên gồng để đập chết con mồi. Chúng đập với sức mạnh và tốc độ đáng nể, chúng tôi chụp ảnh những cá, con dế tội nghiệp lấp lánh nước bị bồng chanh đỏ liên tiếp cặp mỏ dài to đập rất mạnh vào cành cây dưới chân nó,… mà ảnh nào cũng bị nhoè. Là bởi vì tốc độ của hành vi đập con mồi đó phải tương đương hoặc hơn tốc độ bay của loài chim khác, có khi tốc 1/2000 giây vẫn,…chưa bắt “nét căng” nổi. Đập chết rồi nuốt chửng.
Khi nuôi con, bồng chanh đỏ nói riêng và các loài bói cá nói chung đều ngậm đuôi con cá mồi, thò đầu cá (hoặc các con mồi khá) ra phía ngoài để mớm cho con. Chim non chỉ việc nuốt theo cách để con vật “bơi” đầu vào phía… dạ dày king fisher. Còn lúc kiếm cá về ăn, thì chim bồng chanh trống và mái đều tung con mồi lên, lựa lựa cặp ngang, cặp dọc rồi… ném tọt để đầu con mồi lao vào phía cổ họng loài “ác điểu” (ít ra là nhìn từ phía các con mồi). Bọn chuồn chuồn, dế mèn, dế trũi, tắc kè, kỳ nhông cũng bị biến thành món khoái khẩu của bồng chanh đỏ theo cách đó.
Bồng chanh đỏ, cũng như nhiều loài bói cá khác, với bản tính thận trọng, chúng luôn rất dè dặt tìm về các khu kiếm mồi, địa bàn có nước để uống và tắm táp. Vì thế, cho nên, chúng luôn về chỗ chúng tôi “phục kích” khi trời đã rất tối. Khi ấy, các vở nước đã bớt huyên náo bởi các loài chim khác. Trời tối đến mức, đôi lúc mắt thường khó nhìn thấy, ISO (độ nhạy sáng) của các máy ảnh thì tăng hết cỡ (công nghệ tân tiến nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh mà loài người có được cũng chào thua) mà vẫn,… vô cùng nan giải. Lúc đó, chúng tán tỉnh nhau, bắt cặp ghép đôi, tự tình thơ ngây khá,… chủ quan khinh địch. Chúng bón mồi, lít chít gọi nhau, bay theo đôi, chim trống rình bắt chuồn chuồn dế mèn về để “hối lộ” tỏ tình với chim mái. Hai chân chim trống nhích lại phía chim mái theo một vũ điệu bay bướm điêu luyện đến,… sững sờ. Mồi của bồng chanh đỏ cũng không phải bao giờ cũng lãng mạn như vẻ đẹp rực màu hay sự nhỏ nhẻ (có vẻ) nội tâm của chúng. Mà có khi là một “em” tắc kè xấu số sù xì, gồ ghề, dị tướng đang giãy giụa vì bị cắp ngang thân và đánh đập nhừ tử trước khi bị nghiền nát bởi cái dạ dày ác điểu,… lơ lửng trên không trung.
Có lúc, đi soi đường tìm lối ra khỏi một cánh rừng, một bờ suối, chúng tôi vô tình vấp phải một đôi bồng chanh đỏ mang màu sắc khá khác lạ do ướt lút thút sau trận tắm thoả thích lúc nhọ mặt người. Chúng tự tình si mê, đến gần chả thèm bay, ánh đèn soi vào cũng kệ. Ai đó chép miệng: cả chiều muộn nhìn lũ chim tắm táp, yêu đương, tình tự, chải chuốt, rũ nước, mài mỏ,…mà chẳng được tấm ảnh nào nên hồn. Nhưng đi vào rừng thì đâu có nhất thiết cứ phải để chụp ảnh?. Cảm giác thư thái và hứng thú quan sát loài chim nhỏ bé, xinh đẹp, rực rỡ sắc màu này còn đáng nhớ hơn. Lại có anh bảo: Rình mãi chả chụp được, tối trời nó mới ra. Loài săn mồi trác tuyệt này không bị thợ săn bắt ăn thịt (vì bé quá và không bị bắt làm chim cảnh) nên nó chả sợ. Chắc nó sợ mỗi bị,… ghi hình. Nên nó ra tắm mát và tìm thức ăn vu vơ được chăng hay chớ (không quyết liệt mưu sinh như loài khác) rất muộn. Muộn thế thì nó thoát khỏi cảnh bị chụp ảnh lén là dễ hiểu.
Bạn đồng hành của tôi đùa: Nếu tớ mà đẹp như thế, mà lại có lắm anh chị đủ Việt, Tây, Tàu rình để chụp ảnh mình một cách lương thiện và thổn thức trân trọng đến thế, thì tội gì mà không diễn thật nhiều show cho các bác ấy vui. Biết đâu, nhìn các bức ảnh chim đẹp nao lòng nọ, thì các thợ săn, các cái mồm phàm ăn đặc sản chim trời sẽ ngưng “chọc tiết” các nỗ lực bảo tồn của nhân loại tiến bộ. Vâng, chắc gì các bạn bồng chanh đỏ nay mai sẽ không nghĩ thế. Và chẳng ai đánh thuế giấc mơ cả.
Bài: Đỗ Doãn Hoàng
Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Đình Quang
Thiết kế: Tú Quyên